Bản tin tài chính FX168 (Hồng Kông) đưa tin, Có quan điểm cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn "suy thoái bảng cân đối"(balance sheet recession) giống như Nhật Bản đã trải qua hàng chục năm trước. Theo báo cáo mới nhất của Bloomberg vào thứ tư (19/7) thì một số nhà kinh tế Trung Quốc đã bác bỏ điều này.
Khái niệm này được định nghĩa bởi nhà kinh tế Richard Koo của Viện nghiên cứu Nomura Research Institute, các doanh nghiệp và người tiêu dùng lo lắng bởi giá tài sản giảm, bắt đầu trả nợ thay vì đầu tư hoặc chi tiêu trong nền kinh tế. Richard Koo cho biết vào tháng trước rằng, Trung Quốc đang rơi vào tình trạng suy thoái bảng cân đối khi các hộ gia đình và doanh nghiệp ngừng vay mượn.
Một số nhà kinh tế có ảnh hưởng của Trung Quốc không đồng ý với cách nói này. Họ cho biết hoạt động cho vay chậm lại chứ không dừng lại, do niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp bị yếu đi. Họ nói thêm rằng giảm phát giá hàng hóa và dịch vụ cũng là một mối đe dọa lớn hơn so với giảm giá tài sản.
Các nhà kinh tế Trung Quốc này là cố vấn của chính phủ hoặc đã tham khảo ý kiến của các quan chức cấp cao, vì vậy quan điểm của họ có thể ảnh hưởng đến chính sách. Trong lý luận của Richard Koo, vai trò của việc nới lỏng tiền tệ gần như bằng 0, chính sách tài chính là giải pháp duy nhất.
Các nhà kinh tế Trung Quốc đồng ý nên tăng cường hỗ trợ tài chính, nhưng một số người cũng cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể được sử dụng để giúp các công ty đang chịu gánh nặng trả nợ do giảm phát.
Cho đến nay, các số liệu chính thức vẫn chưa chứng thực được các giả định của Richard Koo. Ngân hàng trung ương Trung Quốc báo cáo rằng dư nợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đã tăng trong nửa đầu năm, nghĩa là các khoản vay mới vượt quá khả năng trả nợ. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các khoản cho vay đối với các công ty phi tài chính đã tăng 2,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ.
Sheng Songcheng - Cựu quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không nghĩ Trung Quốc đang trải qua một cuộc suy thoái bảng cân đối.”
Sheng Songcheng cho rằng, nợ cũng đang tăng lên so với tổng nền kinh tế, lưu ý rằng theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình trong quý đầu tiên của năm nay (tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP) đã tăng 1,4 điểm phần trăm.
Những người ủng hộ quan điểm của Richard Koo và cảnh báo về "Nhật Bản hóa" của Trung Quốc chỉ ra những dấu hiệu cho thấy các công ty đang nắm giữ nhiều tiền mặt hơn. Các nhà kinh tế tại Natixis SA ở Pháp cho biết trong một lưu ý vào tuần trước rằng đây là "dấu hiệu sớm của suy thoái bảng cân đối". Fathom Consulting có trụ sở tại Anh cho biết trong một báo cáo rằng Trung Quốc có thể đang ở "điểm khởi đầu" của "suy thoái bảng cân đối".
Luo Zhiheng - nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới Trung Quốc Yuekai Securities Co., cho biết lý thuyết của Richard Koo không áp dụng cho Trung Quốc vì nhu cầu tín dụng suy yếu ít liên quan đến thiệt hại đối với bảng cân đối hộ gia đình mà liên quan nhiều hơn đến sự thiếu tự tin. Luo Zhiheng là một trong nhóm các nhà kinh tế được Thủ tướng Li Qiang tư vấn trong tháng này.
Luo Zhiheng cho rằng nền kinh tế yếu kém và những lo ngại về việc làm và thu nhập có nghĩa là người tiêu dùng thiếu tự tin và muốn tiết kiệm hơn, từ đó làm giảm thu nhập của doanh nghiệp. Ông trích dẫn các yếu tố như căng thẳng Mỹ-Trung và quản lý không dự đoán được của chính phủ góp phần làm suy giảm niềm tin kinh doanh.
Luo Zhiheng viết trong một báo cáo gần đây rằng, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang tăng cường tiết kiệm phòng ngừa, gây ra vòng luẩn quẩn giảm đầu tư, khiến thu nhập và chi tiêu càng giảm.